Hiển thị các bài đăng có nhãn bánh bông lan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bánh bông lan. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

7 loại bánh ngọt dễ làm trong ngày Valentine

Ngày lễ Tình nhân là một dịp rất thích hợp để các bạn gái có cơ hội thể hiện tài làm bánh ngọt của mình với người yêu của mình. Dưới đây là 7 món bánh ngọt mà bạn có công thức rất dễ làm, bạn có thể thực hiện và bày tỏ tình cảm của mình dành cho chàng nhé.

1.      Bánh su kem 3 tầng nhân


Bánh su kem 3 tầng nhân nổi bật

Bánh su kem là một loại bánh rất dễ ăn, cách để làm bánh không quá khó. Nếu bạn muốn có một chút biến tấu cho món bánh su kem vị vani ngày thường, bạn có thể sử dụng một công thức mới, hoàn toàn lạ lẫm là bánh su kem với 3 tầng nhân, kết hợp cả kem lẫn các loại hạt, món bánh của bạn sẽ rất đặc biệt.

2. Bánh bông lan cuộn dâu


Bánh bông lan cuộn dâu với lớp kem ở giữa và trên mặt bánh

Với món bánh bông lan thì hẳn rằng sẽ không ai còn lạ lẫm gì với nó nữa. Để làm cho chiếc bánh đẹp hơn, bạn có thể cho một ít kem dâu đánh và dâu tây tươi lên mặt bánh, hay có thể cuộn lại. Khi cuộn bạn hãy chú ý làm vừa phải chắc, vừa phải nhẹ tay để bánh không bị gãy nhưng vẫn cuộn được.

3.      Cupcake red velvet


Bánh cupcake red velvet có màu đỏ thẫm rất thích hợp cho ngày lễ Tình nhân ngọt ngào và lãng mạn

Đây là một món bánh rất thích hợp cho ngày lễ Tình nhân, một mẻ bánh cupacke có màu đỏ quyến rũ hẳn sẽ rất lãng mạn để thưởng thức cùng người ấy. Bạn có thể kết hợp các loại topping đặc biệt hơn cho món bánh này  như topping bằng cream chesse hay topping phủ dừa sấy, nhâm nhi thưởng thức cùng một tách trà hẳn sẽ vô cùng lãng mạn.

4. Crepe trái tim


Làm bánh crepe hình trái tim để bày tỏ tình cảm với người yêu của mình

Để làm được món bánh crepe hình trái tim này, bạn phải khá khéo tay và hết sức tỉ mỉ. Nhưng bù lại, bạn sẽ có một món bánh vô cùng tuyệt vời.

5.      Churros trái tim


Món bánh Chorrus nổi tiếng của người Tây Ban Nha

Churros là một món bánh rán nổi tiếng của xứ sở bò tót – Tây Ban Nha. Bánh có hình dạng khá giống với món quẩy của Việt Nam. Bởi do hình dáng của món bánh này mà bạn ó thể tạo hình Chorrus như ý muốn, và đặc biệt bạn có thể tạo hình trái tim để mang đi tỏ tình với người đặc biệt, hẳn rằng họ sẽ rất ngạc nhiên đấy.

6. "Cupcake mặn" từ trứng


 Bánh cupcake mặn từ trứng sẽ mang lại hương vị mới mẻ cho ngày lễ Tình nhân

Món bánh cupcake mặn được làm từ trứng luộc, bạn đã thử nó chưa? Nếu chưa thì hãy thử làm và thưởng thức món bánh này ngày lễ Tình nhân cùng chàng nhé. Món bánh này được làm với công thức rất đơn giản, chỉ cần khéo léo trang trí là bạn có ngay một mẻ bánh rất lạ mắt rồi.

7. Waffle trái cây


Món bánh ngọt waffle trái cây thích hợp với thời tiết nóng nực

Đây là một món bánh ngọt rất thích hợp với thời tiết nóng nực của miền Nam Việt Nam. Để món Waffle hấp dẫn, bạn hãy kết hợp với 1 scoop vani và cho thêm sốt chocolae lên mặt bánh nữa nhé.


Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Hướng dẫn làm bánh bông lan Phú Sĩ

Bánh bông lan Phú Sĩ – một cái tên khơi gợi đến đất nước Nhật Bản. Đây là một loại bánh bông lan hấp với phần kem lá dứa thơm béo ở phía trên và trên cùng được rắc một lớp dừa tấm hoặc dừa bào. Bánh có hình dáng trông giống như ngọn núi Phú Sĩ được tuyết bao phủ quanh năm, bánh được bảo quản trong tủ lạnh mà không bị khô.

1. Phần bông lan hấp


- 4 trứng gà tách riêng tròng trắng tròng đỏ.

- 160gr bột mỳ

- 150gr đường

- 40gr dầu ăn

- 40gr sữa tươi

- 1/2 muỗng cà phê baking powder

- 1 ít cream of tartar

Cách làm phần bánh bông lan hấp

Đánh bông lòng trắng trứng với tartar và đường cho đến khi thành một chóp mềm. Sau đó, cho lòng đỏ trứng vào và đánh vài vòng cho đều. Tiếp theo là rây bột thành 3 phần vào hỗn hợp, xen kẽ mỗi lần cho bột và cho chất lỏng vào. Trộng bột từ dưới lên cao theo hình xoắn ốc, nhẹ tay nhưng phải dứt khoát, đến khi hỗn hợp dẻo mịn thì cho vào tô sứ đã được quét sẵn một lớp dầu ăn mỏng.

Cho nồi hấp bánh lên bếp, khi nước sôi thì cho tô sứ vào. Hấp bánh trong vòng từ 20 – 25 phút tùy theo khuôn lớn hoặc nhỏ. Trong khi hấp, mở nhanh nắp và đóng lại để xả khí 2 – 3 lần, tránh khong cho bọt nước đọng lại trên mặt bánh.

2. Phần kem lá dứa


- 2 quả trứng gà

- 200ml nước cốt dừa

- 200ml nước cốt lá dứa (có thể dùng 1 ít pandan paste hòa với 200ml nước lã)

- 60gr bột mỳ và 20gr bột ngô

- 120gr đường

- 100gr bơ nhạt

Phần kem lá dứa của bánh bông lan Phú Sĩ

Hãy trộn các thành phần trên lại với nhau, trừ bơ nhạt và sau đó rây qua rây rồi cho vào nồi đun trên lửa vừa. Đến khi bạn thấy nặng tay và hỗn hợp sệt lại thì tiếp tục cho bơ vào và quấy nhanh tay rồi bắc xuống.

3. Trang trí


- Bánh bông lan hấp để nguội rồi xẻ ra làm 2, 3 lớp.

- Trét kem lá dứa vào giữa và phủ toàn bộ bánh bông lan.

- Để trong tủ lạnh cho bánh định hình rồi rắc dừa nạo lên.

Bánh bông lan Phú Sĩ

Thế là bạn đã có thể tự tay mình làm ra bánh bông lan Phú Sĩ rồi đấy, cùng trổ tài làm bánh để chiêu đãi cả nhà bạn nhé.

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Nghệ thuật ẩm thực Nhật Bản trong bánh ngọt wagashi

Những chiếc bánh ngọt Wagashi tuy nhỏ nhưng vô cùng tinh tế và ẩn chứa nhiều ý nghĩa thú vị.

Wagashi là từ dùng để chỉ các loại đồ ngọt được trình bày đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao chứ không đơn thuần chỉ là ngon miệng. Người dân xứ mặt trời mọc vốn có quan niệm mĩ học rất sâu sắc, do đó cái đẹp đã trở thành chuẩn mực hàng đầu trong từng lĩnh vực đời sống của đất nước Nhật Bản.

Bánh ngọt Wagashi - sự tinh tế của nền ẩm thực xứ hoa anh đào

Bánh ngọt Wagashi xuất hiện ở Nhật vào thời Yayoi (300 TCN – 300), với mục đích ban đầu là món ăn tế thần. Nhưng phải đến thời Edo (1603-1867), wagashi mới được phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao.

Wagashi thể hiện một nghệ thuật đỉnh cao trong nền ẩm thực của Nhật

Kể từ nghề làm wagashi bắt đầu phổ biến khắp nước Nhật, các cửa hiệu làm bánh mọc lên khắp Kyoto cho đến các vùng lân cận. Mục đích sử dụng bánh vì vậy mà cũng đa dạng hơn. Chúng xuất hiện như món tráng miệng, kích thích vị giác sau buổi tiệc trà, góp mặt vào các bữa ăn của các gia đình quý tộc, như một sự khẳng định đẳng cấp, được dùng để làm quà biếu trong các dịp đặc biệt,...

Tới thời Minh Trị (1868-1912), chính sách ngoại giao mở cửa đã giới thiệu món bánh này đến với phương Tây. Kể từ đó, loại bánh ngọt này đã được thế giới nhìn nhận như một trong những đại diện tiêu biểu cho ẩm thực của Nhật Bản.

Ý nghĩa đằng sau bánh wagashi


Nền ẩm thực Nhật Bản, cái tên wagashi xuất hiện không chỉ là một món bánh ngọt thông thường, mà đây còn là một bộ môn nghệ thuật đặc biệt tinh tế và độc đáo.

Bánh Wagashi có tên tiếng Hán là  “Hòa quả Tử”, nghĩa là vẻ đẹp của tự nhiên. Do đó, mỗi chiếc wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: bột bánh thường được nhuộm theo các mùa trong năm, hình dạng bánh thường tương ứng với các hình ảnh trong thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết...)  và nhân bánh được làm từ đậu đỏ, tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm.

Với ý nghĩa triết học phương Đông sâu sắc ẩn trong từng chiếc bánh nhỏ bé, wagashi trở thành một nền nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và là niềm tự hào của người Nhật.

Nghệ thuật wagashi trong đời sống hiện đại


Ngày nay, những chiếc bánh ngọt wagashi truyền thống vẫn gắn liền với đời sống của người Nhật, một mặt nó tiếp tục giữ gìn những bản sắc độc đáo thời xưa, mặt khác nó được biến tấu sao cho phù hợp với đời sống công nghiệp và cả mục đích là truyền bá rộng rãi ra nước ngoài.

Bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như:bột nếp, bột gạo, đậu đỏ, đường mía,... các đầu bếp sẽ biến hóa thành hàng trăm tác phẩm nghệ thuật khác nhau.

Wagashi vừa mang một vẻ đẹp cổ điển của phong, hoa, tuyết, nguyệt, vừa mang trong mình đầy chất hiện đại với hình dạng những nhân vật manga, hoạt hình nổi tiếng.

Một số mẫu bánh wagashi điển hình của nền ẩm thực xứ anh đào.

1. Mochi


Mochi là loại bánh ngọt nổi tiếng và phổ biến tại Nhật Bản

Mochi là loại bánh cơ bản và phổ biến nhất. Bánh được làm với công thức đơn giản từ bột gạo được nấu chính, giã nhuyễn cộng với nhân đậu đỏ, thường có hình tròn. Bột bánh mochi có nhiều màu và nhân bánh có thể làm từ trà xanh, khoai môn, kem,...

2. Namagashi


Namagashi được mô phỏng theo 4 mùa trong năm của Nhật Bản

Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, nó mô phỏng theo hình các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa trên nước Nhật như: hoa anh đào vào mùa xuân, quýt vàng cho mùa hạ, lá phong cho mùa thu, hoa mơ cho mùa đông,.... Qua chiếc bánh ngọt này, thiên nhiên Nhật Bản như hiện lên trước mặt thực khách, rất tươi đẹp và mang đậm dấu ấn của riêng mình.

Người Nhật rất chuộng namagashi dùng để làm quà biếu, tặng. Một hộp quà namagashi thường có đủ 4 chiếc bánh tượng trưng cho 4 mùa trong năm, với ý nghĩa chúc người nhận quanh năm được yên ổn, hạnh phúc.

3. Ukishima


Bánh ngọt Ukishima được trang trí khá bắt mắt

Chiếc bánh này gần giống với bánh bông lan của phương Tây, Ukishima được làm từ bột, trứng và đường. Song bánh lại được hấp chứ không nướng, nhân bánh được làm từ đậu đỏ đã tạo cho Ukishima một hương vị rất Nhật Bản. Bánh có nhiều tầng, vẻ đẹp của nó được thể hiện qua cách bài trí hài hòa mà vẫn phong phú giữa các tầng bánh.

4.  Higashi


Bánh Higashi có nhiều hình dạng khác nhau

Đây là một loại wagashi khô, chúng được nén lại trong khuôn giống như bánh in của Việt Nam. Higashi có vị  ngọt thanh đặc trưng của đường mía wasambonto (loại đường thượng hạng quý hiếm từ quận Tokushima). Bánh được trang trí rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi có một vẻ đẹp độc đáo giữa muôn vàn loại wagashi khác.

5. Manju


Bánh Manju hình chú thỏ mặt trăng

Vỏ bánh manju được làm từ bột jojo (củ từ), ở giữa là nhân đậu, được nặn thành hình tròn, tựa giống bánh bao của Việt Nam. Manju là loại bánh ngọt ưa thích của trẻ em, vì chúng thường có nhiều hình dạng ngộ nghĩnh và bắt mắt. Loại manju nổi tiếng nhất là usagi manju - hình chú thỏ mặt trăng.

6. Yokan


Đây là một loại thạch làm từ bột rau câu truyền thống của người Nhật - kanten. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, mỗi miếng yokan trong suốt sẽ lưu giữ một bức tranh đầy nghệ thuật, điển hình là cách trang trí yokan với những cánh đào ở phía trong.

Bánh ngọt Yokan trong suốt, có in hình hoa anh đào phía trong chiếc bánh

Wagashi được xây dựng trên nền tảng của những nguyên liệu quen thuộc trong đời sống hằng ngày của con người. Từ những điều giản dị như vậy, món bánh ngọt này đã thăng hoa thành một nghệ thuật rất mực trang nhã. Tính chất này phần nào đã phản ánh được nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản: đề cao cái đẹp và khéo léo biến mọi khía cạnh của đời sống thường nhật – dù là vụn vặt nhỏ bé nhất trở nên đẹp hơn, tinh tế hơn.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

7 loại bánh ngọt với những cái tên độc đáo

Thế giới bánh ngọt muôn màu muôn vẻ, thú vị và đầy hấp dẫn không chỉ là hương vị ngọt ngào, màu sắc bắt mắt cùng tạo hình đầy nghệ thuật, mà ẩn chứa sau mỗi chiếc bánh là những câu chuyện đầy kỳ thú. Những chiếc bánh ngọt, hấp dẫn với những tên gọi độc đáo như "khu rừng đen", "bánh thiên thần - ác quỷ",... Cùng điểm qua 7 loại bánh ngọt với những câu chuyện vô thanh ẩn giấu này bạn nhé.

1. Papo-de-anjo


Chiếc bánh ngọt Papo-de-anjo xuất xứ từ Bồ Đào Nha

Đây là một chiếc bánh nằm trong danh sách ẩm thực của Bồ Đào Nhà, dịch ra tiếng Việt nghĩa là "chiếc nọng cằm của thiên thần". Chiếc bánh này được làm từ lòng đỏ trứng và siro đường. Chuyện kể rằng, trong các tu viện lúc bấy giờ, giặt giũ là công việc rất quan trọng và họ sử dụng lòng trắng trứng để làm cứng quần áo. Vì vậy, một lượng lớn lòng đỏ trứng bị thừa ra, các nữ tu không biết làm gì với số lượng lòng đỏ trứng này, họ bèn tạo ra một loại bánh ăn với siro đường. Phần lòng đỏ trứng trong bánh phải được đánh cho đến khi số lượng gấp đôi, sau đó được đổ vào khay muffin được quết dầu sẵn và nướng cho đến khi chắc lại. Những chiếc bánh này sẽ được tiếp tục luộc sơ trong siro đường hòa cùng với một chút rượu rum, vani hay vỏ cam.

2. Chiffon cake


Chiffon tiếng Anh có nghĩa là voan, là loại vải mỏng manh và mềm mại. Và tương tự, chiếc bánh ngọt Chiffon cũng như vậy. Chiffon cake không hẳn là một loại bánh cụ thể, nó là tên gọi chung cho những món bánh ngọt có kết cấu nhẹ và mềm mịn, cùng lớp bông xốp và lớp kem phủ nhẹ nhàng tan ngay khi đưa vào miệng.

Bánh Chiffon có kết cấu nhẹ nhàng và mỏng manh giống như tên gọi của nó vậy

Chiffon và bánh bông lan có công thức na ná nhau nên người ra thường hay bị nhầm lẫn giữa 2 loại bánh này. Song thực chất dòng bánh Chiffon đòi hỏi kỹ thuật nấu nướng và gia giảm khéo léo hơn nhiều để đạt được độ mỏng mịn đúng yêu cầu.

3. Angel food cake


Angel food cake - thứ bánh ngọt có hương vị nhẹ nhàng và tinh tế

Đây là một trong những chiếc bánh nổi tiếng nhất của dòng bánh Chiffon. Giống như tên gọi của mình, từ hương vị cho đến ngoại hình, Angel Food Cake đều mang trên mình vẻ thanh tao và tinh khiết, đúng chuẩn của "Món ăn dành cho thiên thần". Phần nhân bánh rất nhẹ nhàng hoàn toàn làm từ lòng trắng trứng đánh bông với đường cùng bột mì, vị ngọt đậm đà. Điểm trên mặt bánh là lớp kem tươi bông nhẹ xốp hấp dẫn, là một điểm hoàn chỉnh cho món bánh vừa ngọt ngào vừa thanh khiết này.

4. Devil food cake


Devil food cake nổi bật với lớp kem trắng ngà và lớp chocolate

Cùng với Angel Food Cake, Devil Food Cake tạo nên một cặp đôi hoàn hảo đầy kỳ thú và hài hước trong giới bánh ngọt. Nếu như "món ăn của thiên thần" nổi bật với màu trắng ngà thì một cách chủ ý "Món ăn của ác quỷ" lại đầy ấn tượng với tông đen pha chút màu đỏ thẫm. Kết cấu của Devil Food Cake gồm những lớp bánh socola chồng len nhau, xen giữa là nhân kem tươi trắng ngần. Màu đen đỏ cùng hương vị đậm đà của Chocolate đã tạo nên một sự tương phản giữa "Bánh ác quỷ" với " Bánh thiên thần" trắng tựa bông.

5. Red Velvet cupcake


Red Velvet cupcake là chiếc bánh ngọt nổi bật với màu đỏ thẫm

Một phiên bản khác của Devil Food Cake có tên gọi khá lí thú, chính là Red Velvet Cupcake. Chiếc bánh cupcake đỏ tựa nhung này cũng có lớp bánh vị chocolate quyến rũ cùng sắc đổ rượu vang từa tựa như Devil Food Cake vậy.

6. Schwarzwälder Kirschtorte (black forest)


Schwarzwälder Kirschtorte - chiếc bánh ngọt có sự hiện diện của lớp chocolate

Chiếc bánh có tên gọi đầy bí ẩn này xuất phát từ nước Đức. Sỡ dĩ có tên gọi này là bởi nguyên liệu đặc trưng của món bánh là rượu anh đào ("Kirsch"), màu đen của bánh tượng trưng cho khu rừng đen ("Schwarzwälder"), một địa điểm nổi tiếng hấp dẫn nhiều khách du lịch. Khu rừng này có rất nhiều cây anh đào, theo một tục lệ từ xưa, khi mỗi đôi trai gái cưới nhau, họ sẽ đến đây và trồng một cây anh đào. Từ hình ảnh khu rừng đen thẳm với những cây anh đào chín mọng, người thợ làm bánh đã chuyển tải vào một bì và trứng, để biến chúng thành chiếc bánh trứ danh nổi tiếng nước Đức. Tạo hình của chiếc bánh này làm người ta liên tưởng tới những cánh rừng ngút ngàn đầy bí ẩn, với những lớp bánh bông lan chocolate đều đặn chồng lên nhau, điểm xuyến bằng anh đào ngâm đỏ rực, cùng vụn chocolate rải đều trên mặt bánh như đất rừng mùa lá rụng.

7. Mille-feuille


Ngay từ tên gọi của chiếc bánh ngọt này, chúng ta đã có một cái tên rất ngộ nghĩnh và rất vui tai bởi nó có vần có vè - Mille feuille. "Mille" là cách gọi lái đi của từ "Million", ám chỉ đây là chiếc bánh "ngàn lớp" bởi nó được tạo bởi ba hoặc nhiều hơn lớp pastry phối cùng kem trứng tươi, trái cây và mứt ở giữa. Tại Pháp, Mille - feuille được gọi ngắn gọn là Napoleon, đơn giản vì người Pháp cần một cái tên "cộp mác" đặc trưng cho chiếc bánh bắt nguồn từ chính đất nước này.

Mille-feuille là chiếc bánh ngọt mang hương vị của đất Pháp

Thưởng thức một chiếc bánh, không đơn giản chỉ là thưởng thức vị ngọt ngào từ lớp bột hay vị béo của kem phủ, đó là bước chân đi lạc vào thế giới đầy màu sắc với những kỹ thuật tạo hình kỳ diệu, những câu chuyện ẩn mình sau từng lớp bánh hấp dẫn. Những cái tên thú vị và vui nhộn, những chiếc bánh ngọt một lần nữa thực sự chinh phục những khách hàng của mình và níu họ ở lại vương quốc tráng miệng không chỉ ngọt ngào, xinh xắn mà còn hấp dẫn và vui tươi.