Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Thưởng thức bánh quê để nhớ về nguồn cội

Ngày bé, chắc hẳn chúng ta ai cũng sẽ được ăn bánh lá gai, bánh khoai môn, ống bỏng gạo trắng trên chiếc thúng tre,…. Giờ tuy đã lớn, nhưng bỗng một ngày bạn đi trên đường gặp những người bán hàng rong bán bánh, những kỷ niệm ngọt ngào và thương nhớ sẽ trở về bên bạn.

Ngọt ngào bánh lá gai


Ngày tôi còn bé, gia đình đông con mà lại không khá giả nên không mấy khi được mẹ mua quà vặt cho, trừ những dịp khi trong nhà có lễ tết hay ai đó đi đâu xa về mang quà chia cho trẻ nhỏ. Một lần được bà ngoại tôi từ quê lên, mang theo một buộc gói bánh được gói  cẩn thận trong một lớp lá chuối khô làm quà cho các cháu, chúng tôi vô cùng thích thú và xúm xít quanh bà, tò mò về một món bánh mới lần đầu tiên được ăn, món bánh ngọt đó chính là bánh lá gai.

Sau những lớp lá chuối dày thì một mùi thơm ngọt ngào lan tỏa ra. Cắn một miếng bột đen deo dẻo, bạn sẽ cảm nhận ngay vào lớp đậu xanh trộn với dừa sợi rất ngon, ngọt và cả vị béo nữa. Chúng tôi ăn rất chậm lại kẻo sợ hết những miếng bánh lạ lẫm và quý giá như thế này.

Bánh lá gai truyền thống có hương vị thơm ngon

Khi lớn lên, được đi nhiều, biết nhiều, tôi đã vào tận nhà những người chuyên làm bánh lá gai ở Hải Dương (nơi có bánh gai Ninh Giang nổi tiếng) và biết rằng lớp vỏ màu đen của chiếc bánh là do người ta đã xay lá gai hoặc dùng bột lá gai khô rồi trộn cùng bột nếp.

Sau khi hấp chín, bột sẽ chuyển sang một màu đen mềm mại. Nhân bánh gai đúng chuẩn phải có đậu xanh được đồ chín, cán nhuyễn, trộn thêm với đường cát, một ít cơm dừa khô, sợi dừa tươi, và nhân ngon nhất là phải có thêm một ít mứt bí, mỡ phần, lạc, vừng rang thơm và giã nhỏ. Lá chuối khô được hong cho mềm, sau đó quết một lượt dầu ăn lên trên rồi bắt đầu gói bánh lại, thắt bánh lại bằng một chiếc lạt tre.

Bánh gai khi chín rồi nhưng bạn không nên vội vàng mà ăn ngay. Bánh phải để cho ráo nước, lớp bột không nhão quá mà phải dính vào lớp lá. Bóc thật chậm để bánh có thể rời khỏi lá chuối một cách dễ dàng và thưởng thức hương vị của nó.

Lạ lẫm bánh khoai


Một lần tình cờ đi ngang qua khu vực chợ Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Tôi vô tình bắt gặp một bà lão gánh trên vai đôi thúng, trong đó có các loại bánh trái dân dã, nào là bánh gio, bỏng gạo, bánh dợm, bánh lá gai, chè con ong, bánh giò,…. Bà lão lấy ra một đôi bánh còn ấm nóng, gói không vuông mà cũng chẳng tròn, nó được buộc một sợi rơm và bà nói đó là bánh khoai, rất lạ miệng và mời tôi ăn thử.

Bà lão nhanh tay bóc lớp vỏ được gói bằng lá dong ra, lấy dao cắt bánh thành từng miếng nhỏ. Từng khoanh bánh có màu trắng, ruột bên trong có màu vàng và được bày trên chiếc đĩa con khá bắt mắt, tôi nếm thử và nhận bắt đầu nhớ về những chiếc bánh mà mẹ đã làm ngày xưa, nhưng chúng được gọi là bánh khoai môn.

Bánh khoai môn rất dễ ăn

Ngày xưa khi còn bé, khoai sắn rất nhiều nên rẻ lắm, khoai môn nấu canh, luộc chấm muối, chấm đường rồi ăn chè mãi cũng chán, và mẹ tôi đã nghĩ ra cách làm món bánh khoai môn để 2 chị em tôi không bị chán ăn.

Khoai môn được luộc chín, lột vỏ, nghiền nhuyễn, trộn thêm một ít bột gạo cho dẻo. Đậu xanh hấp chín, trộn với muối và hạt tiêu cho thơm để làm nhân bánh. Bánh khoai môn được gói bằng lá dong gói bánh chưng, luộc một thời gian ngắn là đã chín. Bánh sau khi được vớt ra, rửa vỏ cho khô nước dính, để nguội là có thể ăn được rồi.

Bánh khoai môn rất dễ ăn, miệng bánh dậy mùi khoai không thể lẫn đi đâu được. Màu tím của khoai môn rất bắt mắt, kích thích vị giác của người thưởng thức. Nhân bánh thơm mùi xôi lá khúc, khi ăn chấm với một chút muối vừng thì rất là đúng bài.

Giờ đây, Hà Nội đông vui và nhộn nhịp. Người ta sợ một ngày nào đó sẽ không còn tìm thấy được màu sắc cổ truyền trong lòng thủ đô nữa.

Nhưng đâu đó giữa mảnh đất Kinh kỳ này, tôi vẫn thấy hình ảnh của quê tôi qua chiếc cổng làng cổ kính dọc phố Thụy Khê, vẫn thấy vườn hóa, luống thuốc nam trong ngõ nhỏ ở phố Ngọc Hà. Và hôm nay đây, bắt gặp những đôi quang gánh chở đầy những món quà quê của một bà lão, tôi thực sự đã tìm thấy được những kỷ niệm của tuổi thơ mình.

Bánh lá gai, bánh khoai môn, kẹo kéo,…. Người ta có thể không ăn những món bánh đó trong suốt cả hàng chục năm dài, nhưng nó vẫn khiến họ con người vẫn luôn cần nó trong cuộc sống hiện đại hôm nay để không quên nguồn cội của chính mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét